Quyền bình đẳng trên một số phương diện Luật_Bình_đẳng_giới_(Việt_Nam)

Về chính trị

Khoản 1, 2, 3 Điều 11 của Luật bình đẳng giới quy định nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội, nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.[1]

Khoản 4, 5 Điều 11 của Luật bình đẳng giới quy định một số điểm như Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, quy định về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới gồm: bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.[1]

Về kinh tế và lao động

Điều 12 của Luật bình đẳng giới quy định: Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn quy định nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động, quy định về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới gồm: doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của luật, lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.[1]

Điều 13 của Luật bình đẳng giới quy định và cụ thể hoá một số quy định của pháp luật hiện hành. Đó là: Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh, quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm: quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ, người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.[1]

Giáo dục và đào tạo

Điều 14 của Luật bình đẳng giới quy định một số điểm mới: Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng và nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm: quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo, lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.[1]

Về y tế

Điều 17 của Luật bình đẳng giới quy định một số quyền như: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế; lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt, Luật quy định phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.[1]

Về gia đình

Ngoài các quy định thống nhất với pháp luật hiện hành như: vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình, vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng.

Điều 18 của Luật bình đẳng giới quy định một số điểm mới như: vợ chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong quyết định các nguồn lực trong gia đình, vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật; con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển, các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.[1]

Các lĩnh vực khác

Điều 15, 16 của Luật bình đẳng giới quy định rõ quyền bình đẳng nam, nữ trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa họccông nghệ, các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế, tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin.[1]